Nếu như bạn đang phân vân không biết nên lựa chọn địa điểm nào để đi du lịch trong những ngày cuối tuần thì tại sao lại không đến du lịch Hải Dương nhỉ. Và cũng đừng quên đọc những kinh nghiệm du lịch Hải Dương mà Alodi.net chia sẻ trong bài viết này nhé.
Phượt Hải Dương
1. Nên du lịch Hải Dương vào mùa nào?
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, được chia thành bốn mùa rõ rệt là Xuân, Hạ, Thu, Đông và thời tiết khá giống Hà Nội. Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Mùa xuân tiết trời ấm áp còn mùa thu mát mẻ. Mùa đông có gió mùa đông bắc nên khí hậu tương đối lạnh.Nguồn: Sưu tầm
Bạn có thể đi du lịch Hải Dương vào bất cứ thời điểm nào trong năm vì mỗi một thời điểm nơi đây lại có nét đẹp riêng. Tuy nhiên nhộn nhịp nhất đó là vào những ngày đầu năm khi Hải Dương diễn rất nhiều lễ hội lớn ở đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn,... Du khách cũng có thể đến đây vào tầm tháng 6, tháng 7 để được thưởng thức các loại hoa quả như vải thiều, hồng xiêm và đặc biệt là ổi Thanh Hà.
Đọc thêm: Kinh nghiệm du lịch Côn Sơn Kiếp Bạc trong 1 ngày
2. Hướng dẫn di chuyển đến Hải Dương
- Xe khách
Nếu di chuyển từ Hà Nội thì một ngày có rất nhiều chuyến xe tới Hải Dương với nhiều khung giờ khác nhau. Du khách có thể bắt xe tại bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, giá vé dao động từ 70.000đ - 100.000đ với thời gian di chuyển chỉ từ 1h30' đến 2h30' tùy vào điểm đến.
- Tàu hỏa
Đây là phương tiện được nhiều người lựa chọn vì tiện lợi, an toàn, tiết kiệm chi phí và đặc biệt còn có cơ hội ngắm nhìn cảnh vật tươi đẹp của dải đất Việt Nam. Từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc, miền trung hay miền Nam đều có các chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam với nhiều lựa chọn thời gian để du khách quyết định.
Nguồn: Sưu tầm
- Xe máy
Vì chỉ cách các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh một quãng đường ngắn nên xe máy cũng là phương tiện được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Chỉ cần đi theo google map hoặc biển chỉ dẫn là đã có thể đến điểm đến mà mình chọn.
- Máy bay
Đây là phương tiện dành cho du khách từ các tỉnh miền Nam và miền Trung. Tuy nhiên vì không có đường bay thẳng nên thay vào đó, du khách phải di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng đến sân bay Nội Bài, sau đó mới tiếp tục bắt xe đi Hải Dương.
Đọc thêm: Top 7 quán cà phê Hải Dương đồ ngon - view đẹp tha hồ cho bạn check in
3. Các địa điểm nên ghé qua khi du lịch Hải Dương
- Đảo Cò Chi Lăng Nam
Đảo cò thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Với diện tích hơn 31.000 ha, nơi đây là khu vực sinh sống của khoảng 12.000 cá thể cò và 5.030 cá thể vạc. Các loại cò chính gồm lửa, ruồi, bợ, đen...., vạc có xám, xanh, đen...
Để tham quan, khách có hai lựa chọn là đạp vịt hoặc đi thuyền quanh các đảo nhỏ. Một tiếng động lớn cũng có thể khiến cả bầy xáo động. Từng đàn từ lùm cây vút lên nền trời xanh. Cùng tiếng kêu vang, tất cả tạo nên một khung cảnh ngoạn mục và hoang dã.
Chỉ mất khoảng một ngày để du khách đi hết đảo. Có những người tìm tới điểm homestay, nghỉ qua đêm để tận hưởng cảnh sắc yên bình cũng như tìm hiểu tỉ mỉ cuộc sống của cò. Nhờ đó, họ có thể quan sát thêm những cảnh tượng như lúc hàng đàn cò, vạc bay đi kiếm ăn vào sáng sớm và trở về lúc chiều tàn.
- Cánh đồng cỏ rễ
Bãi rễ nằm cạnh rừng thông ở phía nam chân núi Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cây rễ còn có tên là thanh hao, nở hoa trắng li ti vào mùa thu, với hương thơm dễ chịu. Đi thêm vài kilomet từ cánh đồng này bạn sẽ gặp vườn hồng trĩu quả vào mùa thu.
- Cánh đồng hoa hướng dương
Vào tháng 10, cánh đồng hoa hướng dương ở đường Trường Chinh sẽ nở rộ, vàng ươm một vùng.
Nguồn: Sưu tầm
Vườn hoa đẹp nhất vào buổi sáng từ 8 - 9h, để có ánh nắng tự nhiên, không quá đông khách. Hoặc bạn có thể ghé nơi đây vào buổi chiều, từ 15h30 đến 17h30 để kết hợp ngắm hoàng hôn. Vườn mở cửa miễn phí. Vào buổi tối, những bông hoa thêm rực rỡ bởi các mô hình ánh sáng.
- Cây vải tổ
Thanh Hà vốn có vải thiều ngon nức tiếng, ít ai biết vải trong vùng đều lấy giống từ cây tổ 200 tuổi của cụ Hoàng Văn Cơm. Cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tuổi đời hơn 200 năm, giữ kỷ lục "Cây vải thiều lâu năm nhất".
Cụ Hoàng Văn Cơm, người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà mang hạt về ươm từ năm 1870. Cụ ươm lên 3 cây, nhưng chỉ một cây sống sót và ra quả, nhân giống thành những vườn vải thiều rộng khắp vùng Hải Dương. Đến nay cây vải tổ vẫn tươi tốt.
- Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc
Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.
Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng, với đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên. Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá "năm gian" (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.
Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" bề thế. Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than.
Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử, giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.
- Văn miếu Mao Điền
Việt Nam có Văn miếu lớn, lâu đời nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, thứ hai là Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích được khởi lập cách đây hơn 500 năm, vào thời Lê sơ. Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, được chọn làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương. Từ đó, di tích có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.
Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn ngọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm ở phía Bắc đường Quốc lộ 5A chừng 200m, cách Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Đông và cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km.
- Đền Đươi
Đền Đươi còn có tên Quỳnh Hoa từ, ở làng Cẩm Cầu, xã Thống Nhất (Gia Lộc, Hải Dương). Đây là ngôi đền cổ được xây dựng từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ 11). Năm 1991, đền Đươi được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Đền thờ Nguyên phi Thái hậu Ỷ Lan (7/3/1044-25/7/1117). Bà tên là Lê Thị Yến hay Lê Khiết, phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông. Trong chiến tranh, đền Đươi là cơ sở cách mạng ở địa phương, trung tâm liên lạc kết nối với chiến khu Việt Bắc.
- Chùa Thanh Mai
Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa xây dựng trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.
Nguồn: Sưu tầm
Chùa xây dựng từ thế kỷ 13. Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả - vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua năm tháng mưa nắng, chiến tranh, chùa cổ đã sụp đổ. Thời gian gần đây, chùa được khôi phục từng phần trên nền móng của một số công trình lớn. Chùa nằm dưới quần thể rừng phong trải rộng trên diện tích hơn 100 ha, trong đó hơn 50 ha nằm trọn trong đất chùa.
- Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương
Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Di tích gồm An Phụ: gồm Đền An Phụ và chùa Tường Vân (Chùa Cao) thuộc xã An Sinh; Kính Chủ: Động Kính Chủ thuộc núi Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (còn gọi là Bồ Đà, Quán Châu, Thạch Môn), lại có hang thông lên trời gọi là Dương Nham; Nhẫm Dương: chùa Nhẫm Dương (chùa Nhẫm, tên chữ là Thánh Quang) thuộc xã Duy Tân.
Đền An Phụ còn có tên là Đền Cao. Đền nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, đền được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh vương Trần Liễu - Thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và hai cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô - con gái của Hưng Đạo Đại Vương.
Động Kính Chủ có nhiều ngõ ngách, chính giữa là ban thờ Phật, bên phải là bệ thờ vua Lý Thần Tông và Lý Chiêu Hoàng, phía trong thờ Đức Thánh Hiền, Ban Cô. Bên trái động thờ Thành Hoàng, Đức Ông. Sâu hơn ở phía trong là tượng Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Hiện tại, trong động còn tổng 47 bia ma nhai như một bảo tàng về văn bia với những nét chạm khắc tài hoa, phản ánh rõ nét phong cách trang trí mỹ thuật đương thời từ thời Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn thế kỷ XIX.
- Chùa Giám
Di tích lịch sử quốc gia chùa Giám, thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa. Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, ngôi chùa xây dựng từ năm 1336, thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Toà tháp hình lăng trụ lục giác là công trình nổi bật nhất của chùa Giám, làm từ gỗ lim, cao khoảng 8 m, nặng 4 tấn với nhiều chi tiết chạm trổ cầu kỳ. Ở giữa tháp là một trục quay giúp cả công trình có thể xoay tròn bằng sức đẩy của một người.
- Làng gốm Chu Đậu
Làng gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Chu là thuyền, Đậu là bến, tức thuyền đậu bên bến sông. Chu Đậu vốn là làng quê nhỏ bên dòng sông Thái Bình, danh tiếng lan xa đến khi xuất hiện những dấu vết về nghề gốm đạt đến đỉnh cao về kỹ thuật và nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất trên thế giới hàng thế kỷ trước.
Sản phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu cổ là chiếc bình Hoa Lam và bình Tỳ Bà còn được gọi là bình cha, bình mẹ. Bình tỳ bà mang dáng hình cây đàn tỳ bà đại diện cho tính âm, đất mẹ hiện thân cho người phụ nữ Việt Nam dịu dàng hiền thục nết na. Bình hoa lam thể hiện cho tính dương là người chồng, là cha, là trụ cột là nền tảng.
Nguồn: Sưu tầm
- Làng chạm khắc gỗ Đông Giao
Làng chạm khắc gỗ Đông Giao thuộc xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, cách thành phố Hải Dương 20km về phía Tây.
Tương truyền, nghề chạm khắc gỗ ở Đông Giao đã có trên 300 năm nhưng bị mai một dần. Đến năm 1983 nghề được phục hồi và phát triển như ngày nay. Thợ làng Đông Giao khéo léo, thông minh với bản chất cần cù chịu khó nên không ngừng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề.
- Làng rối nước Thanh Hải
Hải Dương còn lại 3 phường múa rối là Hồng Phong, Thanh Hải và Lê Lợi. Tất cả đều tận dụng ưu thế là địa điểm biểu diễn xen lẫn với nhà cửa, ruộng đồng. Nhờ vậy, du khách có được cảm giác gần gũi khi theo dõi.
Trong ao nước nhỏ nằm giữa xóm làng, một thủy đình được xây dựng làm địa điểm biểu diễn. Những câu chuyện ruộng đồng được người địa phương, thường quen với tay cầy tay cấy khơi gợi khéo léo. Các tiết mục múa tứ linh, chuyện chàng câu ếch... cứ thế diễn ra tự nhiên được du khách hưởng ứng nhiệt tình.
Khác với nhiều nơi, nghệ thuật múa rối ở đây có hệ thống điều khiển khác biệt. Nếu nhiều phường khác sử dụng sào đưa rối ra rồi giật dây, người dân nơi này cắm cọc âm dưới nước rồi nối dây lại. Khi đó, mỗi hoạt động, cử chỉ của "nhân vật" sẽ do sự khéo léo, tài tình của họ điều khiển.
Người Hải Dương còn nghề làm gốm làng Cậy (xã Long Xuyên, Bình Giang), nghề thêu ở Xuân Nẻo (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ), nghề làm vàng bạc Châu Khê (xã Thúc Kháng, Bình Giang), nghề làm lược tre ở làng Hoạch Trạch (xã Thái Học, Bình Giang), nghề khâu nón Mao Điền (Cẩm Giàng), nghề làm giường chõng tre (xã Nhân Quyền, Bình Giang); nghề làm bánh gai (Ninh Giang), nghề làm bánh đậu xanh, nấu rượu Phú Lộc (Cẩm Giàng), nghề điêu khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn)...
Đọc thêm: Côn Sơn Kiếp Bạc cẩm nang du lịch Hải Dương 2022
----------------------------------
Trên đây, Alodi.net gửi đến bạn đọc bài viết: Review du lịch Hải Dương: Vùng đất địa linh nhân kiệt với mong muốn mang đến cho bạn đọc bài viết tham khảo để có thêm những lựa chọn tối ưu cho chuyến đi của mình. Ngoài ra, Alodi.net còn có những chuyên mục về du lịch 3 miền: miền Bắc, miền Trung, miền Nam và những kinh nghiệm du lịch, trải nghiệm ăn gì, chơi đâu mà chúng tôi tổng hợp gửi đến các bạn giúp bạn có thêm sự lựa chọn cho những giờ phút thư giãn của mình.
Chúng mình cũng rất vinh hạnh nếu nhận được những ý kiến đóng góp hoặc chia sẻ của các bạn về những chuyến đi mà bạn đã có. Mọi thông tin đóng góp vui lòng gửi về cho team Alodi.net qua email: [email protected].